6 luật bất thành văn trong nghề câu cá

Xin đừng vội nghĩ với nghề câu cá, cái thú săn bắt chim trời cá nước này, ai gặp may hoặc lão luyện trong nghề thì người ấy được … ăn, chứ không có “luật chơi” nào ở đây cả là lầm to.

Đúng là từ xa xưa ông bà ta đã có câu: “Chim trời cá nước ai được thì ăn”. Có nghĩa cái gì đã là vật chung hễ ai được thì người ấy có quyền hưởng trọn vẹn.

Thế nhưng, trong nghề câu cá vẫn có những “luật chơi” dù bất thành văn, dù chỉ là câu tài tử, người đi câu nào cũng phải biết đến và đều tôn trọng nó cả. Farmvina xin mạo muội nêu ra đây những luật chơi mà nhiều người trong nghề đã biết sau đây:

Nghề câu cá độc đáo “có một không hai” của ngư dân TQ từ thời nhà Tống

1. Không bước qua cần câu

Dù nó không thật sự là ‘cần câu cơm’, nhưng bất kỳ người đi câu nào cũng tỏ ra yêu quý cái cần câu của mình. Trước hết, đó là thứ mình đã bỏ ra nhiều công sức để lựa chọn, để uốn nắn từ cây tầm vông, câu trúc hoang dã ở ngoài vườn thành ra cái cần câu vừa ý. Chính vì lẽ đó có người cả đời chỉ sử dụng mãi một vài cái cần, tẩm mồ hôi lên nước đến bóng loáng như được đánh vẹc-ni vậy.

Ở đây, việc quý cái cần câu không để cho ai bước qua vì sợ nó gãy chỉ là việc nhỏ, mà dân đi câu tin (dị đoan chăng?) đó là điềm xui xẻo: buổi câu đó sẽ không được nhiều cá. Nhưng việc tin là xui rủi này đã có cách hoá giải: yêu cần người vô tình bước qua cần câu lúc nãy hãy nhắm mắt bước trở lại một lần. Thế là xong. Nếu người đó nói thêm một câu xin lỗi cho lịch sự nữa thì hai đàng càng đẹp dạ.

Bí kíp câu cá thần sầu của Vũ Đức Sao Biển

2. Không buông cần cạnh chỗ câu của người khác

Nơi người khác đang ngồi câu đương nhiên thuộc về “cương thổ” của người ta, mình không có quyền ngang nhiên đến … câu chung, dù nơi đó có nhiều hay ít cá! Nếu câu chung một chỗ phải có sự thuận tình của người đến trước. Nói thì nói vậy, chứ xưa nay ít ai chịu cảnh cho người khác cùng câu chung. Và người biết tự trọng cũng không ai lại đến mở lời đề nghị xin được câu chung một chỗ như vậy!

3. Không gây ồn ào nơi người ta đang ngồi câu

Nơi được chọn làm bãi câu phải thật sự yên tĩnh vì quang cảnh càng yên tĩnh càng tạo sự thuận lợi cho việc câu cá. Vì rằng, loài cá rất nhút nhát, chỉ cần mặt nước hơi gợn sóng một chút là nó đã lặn biệt tăm, đừng nói chi đến tiếng động mạnh. Bãi câu mà thường xuyên đông người qua lại, có tiền ồn ào của xe cộ không phải là bãi câu lý tưởng. Mặt khác, đa số người đi câu, dù tài tử hay chuyên nghiệp, cũng muốn tranh thủ thời khác buông cần đợi cá để thư giãn, giúp tâm hồn được thoải mái, giúp thể xác bớt mỏi mệt.

Những tiến bộ trong công nghệ câu cá giải trí có thể gây rủi ro cho nghề cá  của Hoa Kỳ

Do đó, sự yên tĩnh ở bãi câu thật rất cần thiết đối với họ. Ai cố tình gây nên cảnh ồn ào náo nhiệt gần nơi người ta buông cần đợi cá là người bất lịch sự, thiếu hiểu biết, nên thế nào cũng bị cự nự.

4. Không bơi lội gần khu vực nhiều người đang câu cá

Như trên chúng ta đã biết, loài cá nào cũng nhát như cáy, thấy bóng người đi trên bờ ruộng, nghe tiếng động từ xa, chúng đã hoảng hốt rẽ nước trốn chạy thật xa. Nếu có người bơi lội tạo tiếng đập nước ầm ầm thì dù có đói đến đâu, chắc chắn không có con cá nào dám lì lợm dừng lại đớp miếng mồi câu!

Bạn nên nhớ, lội xuống sông rạch để tắm gần khu vực người ta đang câu cá là chuyện không nên làm.

5. Luồng câu ai dọn thì người ấy có quyền câu

Dọn sạch một luồng câu để câu rê, câu nhắp là việc tốn rất nhiều công sức và thời gian. Nếu nước chỉ sâu từ ngực trở xuống thì ta có thể ngâm mình trong nước để tém dẹp sạch sẽ những thứ rong cỏ. Nếu gặp ao đầm quá sâu thì phải dùng xuồng. Và trong trường hợp này cần phải có vài ba người phụ lực với nhau: kẻ chèo, người lo tém dẹp … Còn thời gian để làm việc đó chắc gì một buổi đã xong! Đó là chưa nói đến việc phải thường xuyên tới lui canh giữ suốt cả tuần để cá sống dưới ao đầm đó được hoàn hồn lại vía!

Một lần dọn luồng câu như vậy tuy vất vả thật, nhưng có cái lợi là sử dụng được nhiều lần, có khi cả tháng, đến khi đoán chừng không còn cá lớn dưới đó mới thôi.

Dù ao đầm, bàu đó là của chung nhưng người đã bỏ công sức ra dọn luồng câu vẫn được mọi người nhìn nhận nó thuộc quyền khai thác của riêng người ấy! Người ngoài ngang nhiên đến rê cần trong luồng câu đó xem như phạm luật chơi. Đó là chuyện người đi câu cá nào cũng biết đến.

Tuy biết vậy, nhưng bất cứ người bỏ công sức ra dọn luồng câu nào cũng lo đề cao cảnh giác, lúc nào cũng canh giữ để ngăn cản những người vì lòng tham vô độ mà quên cả đạo lý làm người. Chỉ khi nào luồng câu đó không còn sử dụng nữa thì bất cứ ai cũng có quyền được … câu hôi.

6. Không xin mồi câu, mượn lưỡi câu

Xưa nay, người đi câu nào cũng sắm sửa cho mình đủ bộ đồ nghề câu cá để hành nghề. Khi ra bãi câu, những thứ phải đem theo bên mình ngoài cần câu ra còn có lon đựng mồi và hộp đựng lưỡi câu, để khi cần đến thì có sẵn mà dùng.

Đi câu mà thiếu mồi, để mất lưỡi lại không có lưỡi câu dự trữ để thế vào là chuyện đáng buồn. Trong trường hợp này chỉ có cách vác cần ra về, đành bỏ dở cuộc vui, vì rằng đâu thể mượn lưỡi câu của người khác. Mà chắc gì người ta đã thuận cho mượn vì tin như vậy là kẻ khác chia sớt điều may của mình.

Farmvina hi vọng với những hiểu biết về luật trong nghề câu cá này, bạn sẽ có những phút giây thư giãn bên cần câu mà không vô tình “đắc tội” với bạn câu khác.

Câu Hỏi Thường Gặp

Leave a Comment